Dân trí Có thời bóng đá Việt Nam đánh giá cao thứ bóng đá dựa vào tinh thần, nhưng hiện tại thì chính chúng ta chỉ trích lối chơi ấy. Có lúc VFF đặt kỳ vọng vào việc hợp tác với bóng đá Nhật, để rồi giờ chính người của VFF phê phán đại diện do bóng đá Nhật giới thiệu.

Quay ngoắt với… chính mình

Những người điều hành bóng đá Việt Nam hình như cũng hiểu sai tính chất của việc tuyển chọn cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia. Người ta hay lấy ví dụ đội tuyển Tây Ban Nha khi vô địch World Cup 2010 có đông cầu thủ Barcelona, hoặc đội Đức khi vô địch World Cup 2014 sử dụng nhiều cầu thủ của Bayern Munich.

Tuy nhiên, chính những người nêu các ví dụ đấy không nói rõ rằng các cầu thủ Barca hay Bayern góp quân đông ở đội tuyển của họ vì họ hay thực sự, tài năng của họ đã được kiểm chứng thông qua hàng loạt chiến tích trong màu áo CLB, ở các giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.

Tức là họ hay đến mức không cần bàn cãi, chứ trên thế giới làm gì có cái nghị quyết nào liên quan đến chuyện phải bốc quân của một CLB duy nhất làm nòng cốt cho các đội tuyển quốc gia?

Thành ra, việc VFF bàn thảo hay không bàn thảo, giới bóng đá nội tranh cãi hay không cãi dùng hay không dùng quân của bất kỳ CLB nào làm nòng cốt cho các đội tuyển là việc không cần thiết. Bởi, chừng nào mà người ta còn tranh cãi về việc đó, tức là những cầu thủ được đề cập vẫn chưa tạo sự thuyết phục về mặt chuyên môn.

 

Khổ cho những người làm việc chung với bóng đá Việt Nam, phải quay cuồng giữa một nền bóng đá mất định hướng (ảnh: Trọng Vũ)
Khổ cho những người làm việc chung với bóng đá Việt Nam, phải quay cuồng giữa một nền bóng đá mất định hướng (ảnh: Trọng Vũ)

 

Bóng đá nội đôi lúc đầy mâu thuẫn ở những điểm ngỡ như không cần phải bàn ấy. Ví dụ như có thời chính chúng ta luôn đề cao tinh thần trong lối chơi của các đội tuyển quốc gia. Có thời chúng ta thường xuyên nói về sự kiên cường của đội tuyển Việt Nam, kiên cường chống đỡ sức ép mạnh mẽ từ đối thủ, để bảo toàn chiến thắng. Nhưng bây giờ cũng chính chúng ta phủ nhận hoàn toàn lối đá đấy, với một bộ phận người bây giờ chỉ xem phải chơi hoa mỹ mới là bóng đá, không màn đến kết quả.

Ừ thì thích hay không thích là quyền của mỗi người, nhưng đừng vì mình thích sự hoa mỹ mà bảo rằng mọi lối chơi khác đều chẳng đáng xem, đều là bạc nhược. Bởi, ngay trong bóng đá, cả trăm năm nay người Ý có bao giờ chơi hoa mỹ đâu, nhưng cả thế giới chẳng ai dám coi thường bóng đá Ý, càng không dám bảo người Ý chơi thứ bóng đá bạc nhược. Cơ bản, quan điểm của họ là không cần hoa mỹ, thế thôi!

Tít mù rồi lại vòng quanh

Cũng có lúc, mới đây thôi, những người đứng đầu nền bóng đá bảo rằng cách tốt nhất để nâng tầm bóng đá nội là hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật. Nhưng giờ thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, cũng từ miệng một quan chức hàng đầu của nền bóng đá lại hết lần này đến lần khác chê bai người đại diện do chính bóng đá Nhật gửi sang cho chúng ta.

Hóa ra, chính những người trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam còn không biết mình đang muốn gì? Mình sẽ theo định hướng nào? – Thì làm sao giữ sự ổn định cho toàn bộ nền bóng đá. Không đồng tình với người của họ thì thiếu gì cách xử lý, đâu nhất thiết cứ ào ào phát biểu làm mất lòng những người đã sẵn sàng giang tay khi chúng mở lời?

Rồi chắc cũng chẳng có ở đâu trên khắp thế giới này, người ta dùng chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia để mặc cả tiền tài trợ, như trong bóng đá Việt Nam. Không có ở đâu trên thế giới, một liên đoàn cấp quốc gia lại bị các nhà tài trợ can thiệp quá sâu vào chuyên môn, gây sức ép để thay HLV đội tuyển quốc gia như trong bóng đá Việt Nam.

Có thể tất cả đều xuất phát từ ý tốt, nhưng cách thực hiện thì không ổn. Đặt trường hợp ở cấp CLB thì được, vì CLB là sở hữu tư nhân, nhưng cấp đội tuyển lại khác, vì đội tuyển là tài sản quốc gia, không phải là tài sản của riêng một ông bầu.

Và có lẽ cũng không có ở bất cứ nền bóng đá nào, lại có chuyện ông chủ mượn giới truyền thông để công kích người làm thuê thẳng thừng như trong bóng đá nội (Abramovich có bao giờ lên báo phê phán Mourinho chưa nhỉ? – Cho dù Chelsea của Mourinho bây giờ vừa chán ngắt và thiếu hiệu quả).

Nếu không đồng ý với cách làm việc của thuộc cấp, những ông chủ có quyền làm việc riêng với người mà mình không hài lòng. Nói chuyện không xong thì sa thải. Chứ có nơi nào trên thế giới, trong bất kỳ lĩnh vực nào, lại có chuyện ông chủ công khai dùng báo chí để gây áp lực với nhân viên bao giờ?

Và rốt cuộc, sau tất cả mọi chuyện, người ta đang muốn xây dựng bóng đá Việt Nam dựa trên điều gì, căn cứ vào tiêu chí nào?

Trọng Vũ

 

 

Nguồn bài viết: Báo Dân Trí