Giorgio Armani, Coco Chanel, Anna Wintour… truyền cảm hứng về câu chuyện lập nghiệp không bằng cấp.

Trong thế giới thời trang, dường như những tên tuổi lớn trong ngành đều là những thông minh, có học vị cao. Thế nhưng, một số tấm gương thành công tiêu biểu, nổi danh khắp toàn cầu lại chưa từng bước chân vào cánh cổng đại học hoặc bỏ dở giữa chừng. Họ trở thành những chuyên gia, tỷ phú thời trang hay nhà thiết kế lừng lẫy mà không cần tấm bằng cử nhân.

1. Huyền thoại bất hủ Coco Chanel bươn trải từ sớm

Biểu tượng thời trang Coco Chanel (tên thật Gabrielle Bonheur Chanel), người sáng tập thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng Chanel, bỏ học từ năm 18 tuổi và không bao giờ tìm cách theo đuổi một học vị cao hơn.

Người trở thành “bà hoàng thời trang” sau này từng có tuổi trẻ hàn vi. Coco sinh ra ở thị trấn nhỏ Saumur của Pháp trong một gia đình buôn bán. Biến cố cuộc đời xảy đến khi Coco 12 tuổi. Mẹ mất, cha gửi ba chị em vào tu viện để đi làm ăn xa. Trong 6 năm ở trại trẻ mồ côi, nàng có học về may vá.

5-vi-nhan-thoi-trang-lap-nghiep-khong-bang-dai-hoc

Năm 18 tuổi, Coco rời khỏi tu viện. Không mơ đến việc đi học tiếp, nàng cùng với một người cô làm việc trong một cửa hàng ở thị trấn Moulins rồi trở thành ca sĩ phòng trà quán rượu và lấy nghệ danh Coco từ khi đó.

Giữa lúc chưa có công việc ổn định, Coco gặp người thợ may trẻ giàu có Etienne Balsan và trở thành tình nhân của Balsan khi nàng 23 tuổi. Trong thời gian chung sống với người tình, Coco bắt đầu làm công việc thiết kế mũ, từ chỗ tiêu khiển rồi phát triển thành công việc kinh doanh thực sự. Chán nản với cuộc sống tiệc tùng, sa ngã của Balsan, Coco bắt đầu mối tình với thuyền trưởng Arthur Edward (biệt danh Capel). Hai người tình này đều là những đòn bẩy đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh thời trang của nàng.

Capel tài trợ cho cửa hàng đầu tiên của Coco năm 1910. Từ một cửa hàng mũ trên phố Rue Cambon tại Paris, bà mở thêm các cửa hàng ở Deauville và Biarritz rồi bắt đầu may quần áo. Với tinh thần giải phóng phụ nữ khỏi những trang phục gây nghẹt thở như áo corset, váy dài rườm rà… Coco đã thay đổi tất cả và tạo nên cuộc cách mạng trang phục. Bà tạo nên một đế chế thời trang vẻ vang với chiến tích ngoạn mục, để lại những thiết kế vượt thời gian, vẫn được ưa chuộng đến ngày nay. Cho đến khi qua đời năm 1971, nữ thiết kế không bằng cấp này sở hữu khoảng 8 triệu USD.

2. Tổng biên tập ‘Vogue’ Mỹ Anna Wintour quyết nghỉ học từ tuổi 16

“Bà trùm” quyền lực của báo chí thời trang, nhân vật luôn ngồi hàng ghế đầu trong những show đình đám, chưa bao giờ học đại học. Sinh năm 1949, là con gái cả trong một gia đình giàu có, bố là biên tập viên báo Charles Wintour, mẹ là nhà từ thiện Elinor Wintour (con gái một giáo sư Harvard), tuổi trẻ, Anna đã có xu hướng làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Nàng cắt tóc bob từ năm 14 tuổi, thường xuyên chống đối việc mặc đồng phục bằng cách tự lên gấu váy, hay lui tới các câu lạc bộ, quen biết với những người đàn ông lớn tuổi.

Nhận thấy thiên hướng thời trang ở con gái, cha của Anna đã sắp xếp công việc cho con ở cửa hàng quần áo Biba khi mới 15 tuổi. Một năm sau, cô gái London cá tính quyết định bỏ học, rời trường North London Collegiate, tham gia một khóa đào tạo tại công ty thời trang Harrods. Theo “chỉ thị” của cha mẹ, Anna học ở một trường thời trang gần đó nhưng nhanh chóng bỏ dở vì không chịu ép mình học lý thuyết suông.

5-vi-nhan-thoi-trang-lap-nghiep-khong-bang-dai-hoc-1

Bên cạnh ảnh hưởng từ cha, nàng học được những kinh nghiệm đầu tiên về sản xuất tạp chí từ người bạn trai cũ, Richard Neville, người đứng đầu tờ Oz rất phổ biến và gây tranh cãi. Năm 1970, tạp chí Harper’s Bazaar Anh sáp nhập tờ Queen thành Harper’s & Queen, Anna được tuyển làm trợ lý biên tập, bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí thời trang. Cô từng nói với đồng nghiệp rằng muốn sửa tờ Vogue. Năm 1976, Anna chuyển đến New York sống và đảm nhận vị trí biên tập viên thời trang tại Harper’s Bazaar.

Ở độ tuổi 20, nàng lại rời Harper’s Bazaar để làm việc cho ấn phẩm Viva, chức vụ quản lý và biên tập viên cao cấp, một thời gian ngắn làm cho tờ Savvy, năm 1981 làm tại tạp chí New York. Một đồng nghiệp cũ đã sắp xếp cho Anna cuộc phỏng vấn với biên tập viên Vogue Grace Mirabella và trở thành cơ duyên đến làm việc tại Vogue sau này. Năm 1983, Anna được mời đảm nhận một vị trí tại Vogue, bà chấp nhận sau cuộc đấu tranh tăng lương gấp đôi và trở thành giám đốc sáng tạo đầu tiên của tạp chí này.

Năm 1985, Anna nhận chức Tổng biên tập Vogue Anh sau khi Beatrix Miller về hưu. Năm 1987, bà trở lại New York và chính thức trở thành Tổng biên tập Vogue Mỹ năm 1988. Nay ở tuổi 65, “bà trùm” người Anh đã có 27 năm “trị vì” ở vị trí này. Không có học vị hoành tráng như nhiều người nhầm tưởng nhưng bà vẫn trở thành chuyên gia thời trang uy tín, được coi là người phụ nữ quyền lực nhất trong làng thời trang thế giới. Vị Tổng biên tập U70 được ví như “kinh thánh thời trang”, nguyên mẫu của bộ phim The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu).

 3. ‘Vua thời trang’ Giorgio Armani bỏ dở học y vì… sợ máu

Tỷ phú thời trang Giorgio Armani không may mắn lớn lên giữa thời kỳ chiến tranh tàn khốc ở Italy. Sau khi chiến tranh kết thúc, mẹ ông phải tần tảo kiếm ăn, cha bị tống vào tù. Sống trong nghèo khó, vì vậy, lớn lên Giorgio khao khát được trở thành bác sĩ để giúp đỡ những trẻ em bất hạnh, bệnh nhân hiểm nghèo.

Những tưởng ước mơ của chàng trai Italy sẽ thành sự thực khi Giorgio ghi danh vào khoa Y học của đại học Đại học Milan. Nhưng học được 3 năm thì chàng bất ngờ bỏ dở giữa chừng vì bị ám ảnh, không thể chịu đựng khi nhìn thấy cảnh máu me.

vi-nhan-thoi-trang-lap-nghiep-khong-bang-dai-hoc-2

Sau một thời gian phục vụ quân ngũ, nhờ từng học y, Giorgio làm việc trong một bệnh xá ở Verona. Thời gian làm việc trong bệnh xá, thỉnh thoảng buổi tối chàng kiếm việc khác để thêm thu nhập. Chàng trai tỉnh lẻ Piacenza quyết định lên thành phố lớn Milan để thay đổi số phận, vất vả tìm việc. Một ngày, Giorgio được nhận vào làm công việc bày biện tủ kính ở trung tâm thương mại La Rinascente tại Milan rồi dần trở thành nhân viên bán đồ thời trang nam giới. Chính từ đây, Giorgio được tiếp cận với ngành công nghiệp thời trang và học được những kinh nghiệm quý báu.

Giữa những năm 60, ông được công ty Nino Cerruti tuyển vào vị trí thiết kế. Bước ngoặt trong sự nghiệp lẫn cuộc đời của Giorgio là khi Sergio Galeotti, đánh dấu sự khởi đầu cho một tình yêu đồng tính và mối liên hệ gắn bó công việc trong nhiều năm. Hai người thành lập công ty Giorgio Armani S.p.A năm 1975 từ số vốn 10.000 USD, có một nhân viên tiếp tân duy nhất. Tháng 10 năm đó, thương hiệu giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên. Năm 1985, người yêu, bạn tâm giao và là đồng sáng lập qua đời của Giorgio qua đời, ông một mình chèo lái sự nghiệp kinh doanh.

Giorgio Armani nằm trong số những tỷ phú nổi tiếng thế giới không bằng đại học. Điều đặc biệt, dù làm ăn lớn nhưng ông chưa bao giờ nợ nần, vay mượn bất cứ ai, ông luôn hoàn toàn tự lập trong kinh tế. Năm nay, Giorgio Armani 81 tuổi, trở thành một huyền thoại lưu dấu ấn sâu sắc trong làng mốt, là “ông vua” tạo nên một đế chế thời trang vững mạnh. Tỷ phú sở hữu khối tài sản hơn 8,3 tỷ USD (Theo Forbes tháng 10/2015), có một cung điện 400 tuổi, hai biệt thự ở Italy, nhiều tài sản quý. Ông đảm nhận chức Chủ tịch đội bóng rổ Olimpia Milano và là người thiết kế “siêu phẩm” xe Vespa 946 Emporio Armani gây sốt năm nay.

4. ‘Ông trùm’ Ralph Lauren bỏ học kinh doanh, lập nghiệp từ tay trắng

Năm ngoái, tạp chí Business Insider đã xướng tên Ralph Lauren trong số 14 tỷ phú thế giới lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ông được xếp vào danh sách những doanh nhân đình đám không bằng đại học cùng Jack Ma của Alibaba, Jan Koum – CEO WhatsApp hay Howard Schultz hãng Starbucks…

Nhà thiết kế kỳ tài từng học trường kinh doanh thuộc đại học Baruch nhưng bỏ dở sau hai năm và trở lại với niềm đam mê thời trang từ nhỏ. Hồi bé, cậu bé gốc Do Thái đã thích làm đỏm. Nhà nghèo, Ralph bèn nghĩ cách đi buôn để lấy tiền mua những bộ vest thật bảnh bao bằng cách bán cà vạt, nơ áo cho các bạn khi ngồi trên ghế nhà trường. Với tài buôn bán thiên bẩm, Ralph có thể bán một chiếc cà vạt với giá 15 USD trong khi thời điểm đó, những chiếc cà vạt được thiết kế chuyên nghiệp chỉ có giá hơn 5 USD/chiếc.

vi-nhan-thoi-trang-lap-nghiep-khong-bang-dai-hoc-3

Ước mơ trở thành triệu phú từ thời niên thiếu, chàng trai Mỹ gốc Do Thái ghi danh vào trường kinh doanh sau đó lại bỏ dở. Gia nhập quân đội một thời gian, sau khi xuất ngũ, chàng làm nhân viên bán găng tay và thư ký cho hãng Brooks Brothers rồi bán hàng cho công ty cà vạt Rivetz.

Năm 26 tuổi, Ralph Lauren tự thiết kế mẫu cà vạt theo phong cách mới nhưng bị công ty từ chối nên quyết định tách ra, gây dựng sự nghiệp riêng. Dù không qua trường lớp thiết kế nhưng Ralph tự tin cắt may với khả năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của mình. Ông nhận thấy bản thân mình “rất may mắn, dù chưa bao giờ học về thời trang nhưng lại có năng khiếu bẩm sinh không biết có từ bao giờ”. Chàng trai đã biến những miếng vải vụn thành cà vạt và bán cho các cửa hàng nhỏ ở New York, sau đó được ông chủ thương hiệu bán lẻ hàng xa xỉ Neiman Marcus mua hơn 1.000 chiếc cà vạt.

Vay số tiền 50.000 USD từ một người anh,  Ralph Lauren lập được công ty riêng. Ông từng tâm sự: “Đúng là có người cho tôi vay 50.000 USD để tôi khởi nghiệp. Nhưng không ai giao cho tôi vương quốc thời trang đã có sẵn”. Thành công của Ralph Lauren luôn là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều nhà tạo mốt trẻ cũng như những người quyết tâm làm giàu bằng đam mê của mình.

Nay ở tuổi 76, “lão làng” thiết kế hạnh phúc bên vợ Ricky và 3 người con khôn lớn thành đạt. Ông sở hữu bộ sưu tập siêu xe “có một không hai” và khối tài sản 6,4 tỷ USD (theo Forbes tháng 10/2015), thuộc Top 200 người giàu nhất thế giới.

5. Thiên tài Michael Kors lập nghiệp chỉ sau hai học kỳ

Một văn bằng về thiết kế thời trang có thực sự cần thiết cho sự thành công? Michael Kors chứng minh điều quan trọng hơn là tài năng, kỹ năng và tham vọng. Ông rời bỏ con đường đại học để chọn một cách khác tiến đến thành công.

Sau khi tốt nghiệp trường Trung học John F. Kennedy danh tiếng, Michael nghiên cứu kỹ năng thiết kế tại Học viện Kỹ thuật thời trang (New York) nhưng chỉ sau hai học kỳ, chàng đã bỏ dở, tự tin mình có thể sáng tạo trang phục mà không cần học tiếp.

vi-nhan-thoi-trang-lap-nghiep-khong-bang-dai-hoc-4

Nhà tạo mốt chia sẻ: “Tôi đã đi học, có thể tự phác thảo từ khi còn nhỏ. Tôi có nhiều ý tưởng rõ nét về những gì mình thích, vì vậy, tôi đã đấu tranh với các giáo viên. Tôi không nghĩ rằng có một quy tắc nào trong thời tran để vạch lối chỉ đường bạn phải làm thế nào”. Michael Kors bắt đầu thiết kế quần áo khi 19 tuổi, tung ra dòng trang phục nữ của riêng mình vào năm 1981, sau đó còn được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo cho một nhà mốt Pháp.

Sau này, nhà thiết kế sinh năm 1959 còn được trường cũ mời về làm cố vấn. Ông còn trao tặng cho trường học bổng. Rõ ràng, Michael vẫn tin vào sức mạnh của học tập mặc dù đã chọn một lối đi khác trong quá khứ. Ông trùm thời trang nổi tiếng có khối tài sản 1 tỷ USD (theo Forbes 2014), sở hữu ít nhất hai căn hộ đắt tiền và một số ô tô hạng sang.

>> Xem tiếp tên tuổi lớn làng thời trang không bằng đại học

Lana

Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET